“Con không hiểu nhân vật này có câu chuyện gì hay nói gì nhưng con cứ thuộc thôi”
Dạo 1 vòng Thảo Cầm Viên, cứ 10 bé thì hết 8 bé chỉ vào con voi, con khỉ, cá sấu,... rồi đọc to: "Lirilì Larilà, Bombardiro Crocodilo, Chimpanzini Bananini,...
Xem chán chê, ra ghế đá ngồi nghỉ, một bé 5 tuổi quay sang nói với mẹ: Mẹ ơi, con vẫn chưa thấy Tung Tung Tung Sahur đâu, hay mình mở điện thoại lên xem đi!
Nếu trong gia đình bạn, có trẻ dưới 10 tuổi, chắc chắn bạn sẽ thấy: “Cảnh này thật là quen thuộc…”.
Clip: Trẻ đọc vanh vách tên các nhân vật trong Vũ trụ Brainrot. Nguồn: Di Anh
Đó là cách trẻ gọi tên các nhân vật trong Vũ trụ Brainrot!
Nơi các nhân vật được tạo ra bằng AI, với hình thù kỳ dị, tên của chúng được ghép từ những âm thanh lặp lại liên tục và vô nghĩa nhưng viral khắp mạng xã hội, khuynh đảo giới Gen Alpha, đặc biệt là đối tượng trẻ em từ 2-10 tuổi.
“Con chỉ cần nhìn thoáng qua ảnh hoặc một bộ phận trên cơ thể của các nhân vật này là con biết đó là gì”, một bé khoe.
Hầu hết các bé biết đến các nhân vật Brainrot qua TikTok, các clip ngắn trên YouTube, thậm chí là qua lời kể của bạn bè trên lớp (ở độ tuổi cuối mẫu giáo trở lên) rồi về nhà tìm xem.
Các em cũng biết rõ mình yêu thích nhân vật nào: “Cô gái với đầu là tách cà phê cappuccino, cá mập ba chân mang giày Nike, hay khúc gỗ có mắt…” là những nhân vật được các bạn nhỏ yêu thích nhất. Lý do là: Chúng đẹp, xấu, lạ hoặc vô tri.

Không đọc được mặt chữ hay ghi được tên của các nhân vật, cũng không phải là vấn đề khó với hội 4-5 tuổi. Tất cả chỉ cần bắt chước.
Dù đọc vanh vanh vách vũ trụ Brainrot song khi được hỏi: Con có hiểu Tung Tung Sahur, Tralalero Tralala,.... nghĩa là gì không?”, các bé dưới 6 tuổi lắc đầu.
6-10 tuổi thì bắt đầu tìm hiểu về các nhân vật một cách bài bản hơn, bắt đầu từ sự tò mò: “Con thấy lạ quá khi cá mập lại có chân, con khỉ vỏ chuối hay con Voi có gai xương rồng… Nó không phải là tiếng Anh đâu ạ, nó là thứ tiếng gì đó lạ lắm. Con biết nó là do AI tạo ra, ghép vào”, bé Tuyết Mai (10 tuổi) chia sẻ.
“Con cũng không hiểu nhân vật này có câu chuyện gì hay nói gì nhưng con cứ thuộc thôi, tại lớp con ai cũng nói, con cũng xem nhiều trên TikTok. Cứ mở TV, YouTube hoặc TikTok lên là thấy, nghe nhiều nên thuộc ạ”, bé Lâm Anh (7 tuổi) nói.

Hội phụ huynh của những em nhỏ này hầu hết đều trên 35 tuổi, họ không bất ngờ vì đã nghe con gọi tên các con vật trên TV bằng “thứ ngôn ngữ gì đó”. Tuy nhiên, vì bận đi làm ở ngoài, không có nhiều thời gian để tìm hiểu kỹ nên phải đến khi dẫn con vào Thảo Cầm Viên mới thấy ngạc nhiên vì con thông thạo thứ… ngôn ngữ kỳ lạ này.
“Chắc đây là một hiện tượng mới trên mạng xã hội thôi. Thời buổi này Internet phát triển, có đa dạng chương trình lắm mình đi làm suốt rồi cũng không nắm được hết”, chị Nguyễn Tâm (36 tuổi), đi cùng con vào sở thú và nghe con gọi các con vật bằng các tên gọi mới toanh.
Cũng như chị Tâm, anh Thái Anh (42 tuổi) ngạc nhiên khi thấy hai cô con gái Minh Châu (11 tuổi) nói: “Mình cũng không cấm cản gì, cũng như các bộ phim hoạt hình hay truyện tranh, chỉ kiểm soát thời gian xem là chính”.
“Tôi không hiểu nhưng tôi vẫn công nhận đó là thế giới sáng tạo của con”
Còn hội phụ huynh dưới 35 tuổi, đang làm ở các văn phòng, bố mẹ Gen Y và anh chị Gen Z tiếp xúc MXH nhiều, thì sao?
Họ dễ dàng nhận diện xu hướng này qua TikTok, qua lời đồng nghiệp, một số cũng vì công việc thường xuyên sử dụng mạng xã hội nên khó có thể bỏ qua được. Thậm chí có người thừa nhận mê xem Brainrot cùng em, cháu mình ở nhà.
Clip chia sẻ của hội bố mẹ Gen Y và anh chị Gen Z. Nguồn: Di Anh.
Tuấn Phát (22 tuổi, nhân viên văn phòng) nói biết Brainrot vì tụi con nít trong nhà đọc vanh vách và nhớ rất nhiều tên từng nhân vật. Với tâm lý chung của một Gen Z điển hình - không bỏ lỡ trend nào, mà xu hướng này cũng lạ lẫm, thú vị nên cậu bạn có tìm hiểu, thỉnh thoảng xem cùng các cháu ở nhà hay lướt TikTok, thấy hấp dẫn thì dừng lại xem.
“Nó khác với truyện tranh, Doraemon - các nhân vật có hình thù bình thường, rõ ràng thì Brainrot dị hơn rất nhiều. Nhưng mình thấy cũng không có gì quá căng thẳng đâu mọi người. Ngày nay, mọi thứ đa dạng và phong phú hơn rất nhiều, miễn sao mình thấy phù hợp thì xem thôi”, cậu bạn chia sẻ.

Một số phụ huynh, người thân ở độ tuổi trẻ hơn có cách nhìn linh hoạt và cởi mở hơn. Xuất phát từ việc lớn lên cùng mạng xã hội, game hay các nội dung giải trí số, họ dễ dàng nhận diện các yếu tố “trend” trong Brainrot và chọn cách đồng hành cùng trẻ với tâm thế gần gũi, cập nhật.
Có phụ huynh còn trở thành người “giải mã” giúp con giữa ranh giới thật - ảo trong thế giới tưởng tượng này.
Nhất Huỳnh (33 tuổi) hiện tại có một em bé 2,5 tuổi cho hay đã biết đến Brainrot vài tháng nay qua mạng xã hội và chồng cũng gửi cho xem vì thấy hiện tượng này lạ quá mà nhiều trẻ em mê mẩn.
“Tôi nghĩ nếu phát hiện con quan tâm điều gì, mình có thể cùng con khám phá, nhưng cần định hướng rõ: cái này chỉ là tưởng tượng, là sáng tạo thôi. Ví dụ, có khi con tôi vẽ một hình tròn thêm tay chân, tôi không hiểu đó là gì, nhưng tôi vẫn công nhận đó là thế giới sáng tạo của con. Bố mẹ cũng đóng vai trò đồng hành, chủ động chọn lọc nội dung phù hợp”, chị Nhất Huỳnh chia sẻ.
Bảo Tín (33 tuổi) - hiện đang làm bố của một em nhỏ gần 3 tuổi cho biết không cấm cản, và chủ động tìm hiểu và cho con xem - nếu bé thích và nội dung tích cực thì sẽ cân nhắc để con thỏa đam mê nhưng trong giới hạn về thời gian.
Anh đang làm trong lĩnh vực social, vì thế việc anh tiếp nhận Brainrot có phần nhanh chóng, cởi mở hơn.
“Mình vẫn dạy con theo lời cha mẹ mình dạy ngày xưa, đó là: Vẽ đường cho hươu chạy. Nghĩa là thà để cho nó thấy rõ đường để chạy, còn hơn cứ chạy lung tung rồi đâm vào bụi lúc nào không hay. Bởi thế, theo mình vai trò bố mẹ trong hiện tượng Brainrot nói riêng và các xu hướng trên mạng xã hội ngày nay nói chung vẫn nên là định hướng.
Bằng cách nào, thì đó mình phải chủ động tìm hiểu trước các nội dung trước khi cho con xem, xem thử độ tuổi của con mình có phù hợp không. Nếu chưa chắc, mình có thể cho con coi thử 1 - 2 clip để quan sát phản ứng. Nếu phản ứng tích cực, mình vẫn sẽ cân nhắc thêm: có nên cho con xem không, và nếu có thì tần suất như thế nào là hợp lý”, anh Bảo Tín chia sẻ.
Có thể thấy, độ tuổi, nghề nghiệp, vòng tròn xã hội của bố mẹ là một trong nhiều yếu tố tác động đến cách nhìn nhận về xu hướng Brainrot. Dù thận trọng hay cởi mở, hầu hết phụ huynh đều chọn đồng hành cùng con để hiểu con hơn, cũng như định hướng sớm cho trẻ có những nhận định chính xác: Đâu là thật, đâu là tưởng tượng, không chỉ trong thế giới Brainrot mà trong nhiều trải nghiệm sống.
Trần Hà.